Nói tới Sài Gòn là nói tới sự đa dạng về “ẩm thực” nhưng có lẽ món đặc biệt nhất và bạn sẽ được nghe nhiều nhất khi tới với Sài Gòn đó là món “Cơm tấm”. Cơm tấm là một món ăn của người bình dân tại Sài Gòn, nhưng không biết từ lúc nào mà món “Cơm tấm” đã trở thành đặc sản trong thế giới ẩm thực tại nơi đây.

Để nói về món cơm mang đậm hương vị Nam bộ này, có một nhà văn Sơm Nam từng viết rằng: cơm tấm xưa là món ăn bình dân của dân lao động của miệt Nam kỳ lục tỉnh. Theo chân người dân thôn quê lên thị thành, cơm tấm dần được nâng cấp, song gạo cơm vẫn là gạo tấm, loại hạt gạo bị bể đôi bể ba trong lúc xay giã. Gạo thơm dẻo thì tấm càng ngon cơm. Cũng như gạo, tấm được nấu bằng nồi hoặc bằng chõ, người nấu cho nước vừa đủ để gạo khô ráo, cho cảm giác tơi khi ăn.

Càng về sau, món cơm tấm dân dã ngày càng được người đứng bếp sáng tạo thêm. Thay vì chỉ có bì, đầu bếp thái thêm thịt heo nạc luộc. Thịt heo muốn ngon thì luộc cùng với nước dừa và nêm chút muối. Một số đầu bếp lại dùng thịt heo trộn cùng với bì, cả hai quyện vào nhau cho mùi vị rất thơm và ngon tới không ngờ.
Nói tới sự thịnh hành của cơm tấm quả là thiếu, rất thiếu nếu không nhắc tới nước mắm, nước mắm dùng trong cơm tấm là thứ rất quan trọng, quyết định sự thành bại của món cơm tấm trứ danh nơi đây. Cùng mở hàng cơm tấm, thế nhưng quán thì rất đông khách còn quán thì lại chẳng có vị khách nào là do chén nước mắm có ngon hay không quyết định đó bạn nhé. Nước mắm ăn cơm tấm được pha đậm đà, thành phần chủ yếu là đường trắng, chút nước dừa tươi, bột ngọt và chẳng thể thiếu được nước mắm loại thượng hạng. Cùng với nước mắm là tỏi và ớt băm nhuyễn, người dùng sẽ tùy khẩu vị cá nhân mà nêm nhiều hoặc ít tỏi hoặc ớt băm nhuyễn.


Nếu bạn tới với Sài Gòn, đừng quên thưởng thức món cơm tấm nơi đây nhé. Bạn sẽ gặp cả một nền văn hóa khi đi ăn cơm tấm đó, tin mình đi.