Chào mọi người,
Chuyên mục hướng dẫn chiếc Nas Synology này mình bỏ khá lâu rồi, phần nhiều là vì lười. Nhân dịp mình đang không có gì ngoài “rảnh” thì mình sẽ lại khởi động lại loạt bài hướng dẫn về “Synology Nas”. Loạt bài hướng dẫn của mình không phải chuyên sâu quá đâu, nó gọi là dễ thôi để mọi người đều biết / hiểu và sử dụng được các chức năng mà chiếc Nas đình đám này mang lại.
Mình lựa chọn bài đầu tiên là “cài đặt Cloud Sync” vì nó thiết thực, theo mình là thế vậy thôi.
Trước khi đi vào phần chính thì gõ chút định nghĩa về “cloud sync” nhỉ.
Cloud Sync là một dịch vụ trên Nas Synoloy. Dịch vụ này cho phép bạn đồng bộ hóa và chia sẻ tài liệu giữa Nas Synology và nhiều dịch vụ đám mây (cloud) bao gồm:
- Dịch vụ đám mây của Alibaba (oss)
- Amazon Drive
- Các dịch vụ cloud của amazon s3 (amazon s3, hicloud s3, sfr nas backup)
- backblaze b2
- baidu cloud
- box
- dropbox (bao gồm cả dropbox business)
- Google cloud storage
- Google drive (bao gồm cả google drive for work)
- HiDrive
- hiCloud s3
- MegaDisk
- JD cloud oss
- Microsoft onedrive (bao gồm cả onedrive dành cho doanh nghiệp)
- Microsoft Azure
- Tencent cloud
- webdav
- yandex disk
Nhiều phết nhỉ? Mình thấy thì đại đa số mọi người hiện tại dùng nhiều là Google Drive, Dropbox và Onedrive mà thôi. Trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn mọi người cài đặt Cloud sync để chuyển tài liệu qua lại giữa Google Drive nhé. Các dịch vụ khác tương tự thôi không có gì phức tạp cả.
Mình làm hướng dẫn trên Synology phiên bản 7, phiên bản 6 thì cũng không khác gì cả nên bạn cứ nhìn hình mà táng nhé. Mình sẽ giải thích cận kẽ nhất có thể.
Bước 1: Cài đặt ứng dụng cloud sync
Đầu tiên bạn vào ứng dụng “Package Center (1)”, ở phần ô tìm kiếm các bạn gõ Cloud sync (2). Sau đó các bạn ấn cài đặt / install (3). Ở đây mình cài rồi nền hiện chữ “open thay vì install“.
Dễ không?
Giải thích thêm một chút về “Package Center” nhé, nếu như Apple có App Store, thì Synology có Package center. Đại khái là mọi thứ bạn cần đều có trong này, nó là một kho ứng dụng cả chính hãng lẫn không chính hãng. Bạn cần gì? Xin mời lên đó tải về.

Bước 2: Thiết lập ứng dụng ban đầu
Sau khi cài xong cloud sync ở bước 1 thì các bạn ấn vào “open” để tiến hành mở ứng dụng cloud sync nhé. Các bạn thấy cái mũi tên màu đỏ đang chỉ không? Các bạn ấn vào đấy để tiến hành cài đặt tiếp nhé.
Dễ nhỉ, mình thề.

Bước 3: Lựa chọn dịch vụ đám mây bạn muốn đồng bộ
Trong bài viết này mình hướng dẫn các bạn đồng bộ dữ liệu lên “google drive”. Như hình thì mình chọn “google drive” rồi ấn “next” thôi.
Còn bạn chọn dịch vụ đám mây nào, đám mây nào thì cũng dễ cài đặt. Dễ hơn cả người yêu cũ bạn quay xe luôn?

Bước 4: Chọn tài khoản đám mây
Khi bạn ấn “next” ở bước 3 thì một trình duyệt khác sẽ hiện lên. Trình duyệt này thì bạn cần đăng nhập vào tài khoản google của mình để tiến hành cấp quyền cho ứng dụng “cloud sync”.
Dễ mà, mình ấn vào tài khoản google của mình thôi. Sang bước 5 nhỉ.

Bước 5: Cấp quyền truy cập cho ứng dụng cloud sync
Sau khi chọn tài khoản google ở bước 4 xong thì Google sẽ hỏi lại bạn lần cuối xem bạn có đồng ý để ứng dụng “Cloud Sync” truy cập và quản lý dữ liệu của bạn không?
Nếu đồng ý thì bạn ấn “Cho phép“, còn không đồng ý thì ấn “hủy”.

Bước 6: Xem lại lần nữa
Google thì xong rồi, giờ thì bạn ấn “Agree” đi còn chờ gì nữa.

Bước 7: Cài đặt đồng bộ hóa
Bước này khá là quan trọng nên mình sẽ nói rõ. Ở đây có một vài tham số bạn cần phải biết và chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của cá nhân.
- Connection name: bạn có thể đặt gì tùy thích
- Local path: thư mục bạn muốn đồng bộ dữ liệu lên mây ở Nas
- Remote path: thư mục bạn muốn đồng bộ trên đám mây, mà cụ thể ở đây là google drive.
- Sync direction: Các bạn lưu ý tại mục số 4 này có vài cách đồng bộ các bạn cần lưu ý nhé.
- Bidirectional: Đồng bộ cả hai chiều (nas, google drive) khi có thay đổi. Bạn nên sử dụng cách này nếu tài liệu của bạn quan trọng.
- Download remote changes only: Chỉ tải xuống tài liệu trên đám mây về nas ở nhà
- Upload local changes only: Chỉ tải tài liệu từ nas ở nhà lên đám mây
- Các bạn lưu ý khi các bạn chọn “Download remote changes only hoặc Upload local changes only” thì sẽ có thêm một lựa chọn đó là “Don't remove files in the destination folder when they are removed in the source folder” các bạn nên tick vào ô này. Nôm na là khi các bạn xóa tài liệu ở thư mục gốc thì thư mục được đồng bộ sẽ không bị xóa.
- Enable advanced consistency check: Tính năng kiểm tra tài liệu xem nó có bị sai lệch gì trong quá trình chuyển đi chuyển lại không ý mà. Các bạn có thể chọn hoặc không.
- Data encrytion: Mã hóa dữ liệu cả 2 chiều. Mình sẽ nói riêng cái phần mã hóa này ở bước 8.
- Schedule settings: Đặt thời gian đồng bộ dữ liệu, các bạn có thể để mặc định cả ngày hoặc tùy chỉnh theo ý các bạn. Việc tùy chỉnh cũng dễ lắm, các bạn ấn vào “schedule settings” là thấy luôn.

Bước 8: Mã hóa dữ liệu
Tính năng mã hóa dữ liệu này của Cloud Sync sẽ chỉ được giải mã bởi Cloud sync mà thôi. Một khi đặt mật khẩu các bạn không thể hủy mật khẩu mã hóa dữ liệu này được. Các bạn nên lưu ý trước khi đặt mã hóa nhé.
Hình ảnh minh họa chuẩn quá rồi còn gì phải giải thích không nhỉ. Mình nghĩ là không đâu ^^, nếu các bạn thích mã hóa thì gõ mật khẩu vào rồi ấn “Oke” còn không thì ấn “cancel”

Bước 9: Tận hưởng thành quả
Các bạn xem lại các cài đặt lần cuối, nếu không có gì sai sót thì ấn “done” để cloud sync tự động làm việc, cần chỉnh gì các bạn ấn “back” để chỉnh sửa.
Phần “advanced settings” các bạn có thể tùy chọn thư mục hoặc tài liệu không muốn đồng bộ. Các bạn có thể tự tìm hiểu thêm nhé, vì mình nghĩ rằng đã đồng bộ rồi thì còn gì không muốn nó lên mây???

Vậy là bài viết của mình đã hoàn thành, hẹn gặp lại mọi người vào bài sau. Các bạn có gợi ý gì cho mình viết tiếp về mục gì của Synology không? Nếu có bạn đừng ngại để lại lời nhắn ở dưới nhé.