Khu quần thể di tích Đền Gióng Sóc Sơn nằm tại khu vực núi Vệ Linh – hay còn gọi là núi Sóc (theo cách gọi của người dân địa phương), thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Khởi nguồn của cụm di tích này chỉ là một Miếu thờ Đổng Thiên Vương rất nhỏ và Chùa Non Nước được xây dựng từ thời Vua Đinh Tiên Hoàng. Trong cuộc đấy tranh chống giặc ngoại sâm Tống, vua Lê Đại Hành cùng các tướng sĩ trên đường hành quân đã vào làm lễ cầu Thánh Gióng phù hộ cho trận chiến và trong cuộc chiến sau đó quân Tống thua tan tác thất bại nặng nề. Vua lê Đại Hành đã vào lễ tạ và sai người tìm gốc trầm hương để tạc tượng Thần và cho xây dựng khu vực này thành khu vực Đền rất uy nghị và phong thành Đền Phù Đổng Thiên Vương. Cụm di tích được xếp hạng Di tích Quốc Gia vào năm 1962.
Quần thể di tích Đền Sóc gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân vào thời Hùng Vương. Truyền thuyết kể rằng xưa tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội vào thời Hùng Vương thứ 6 có một cậu bé tên Gióng, cậu bé là “người trời” đầu thai, tuy đã lên 3 tuổi nhưng cậu vẫn chưa hề biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi biết đứng. Khi giặc Ân tràn sang xâm lược đất nước thì cậu bé Gióng bỗng nhiên cất tiếng gọi Mẹ, nhờ Mẹ gọi sứ giả của nhà Vua vào và xin “một cái roi sắt, một áo giáp sắt và một con ngựa sắt” để đi đánh đuổi giặc ngoại sâm. Sau khi nhà Vua cho người mang những thứ mà cậu bé Gióng yêu cầu tới thì Gióng vươn vai lớn nhanh như thổi thành một chàng trai cường tráng. Cậu bé Gióng đi tới đâu, quân giặc khiếp sợ và bỏ chạy tới đó, truyền thuyết còn kể rằng cậu đánh nhau với giặc gãy cả roi sắt nên đã nhổ bụi tre bên đường quật vào giặc và cậu bé Gióng đuổi giặc đến chân núi Sóc. Cậu bé Gióng đã lên đỉnh núi Sóc quỳ lạy Mẹ rồi cùng ngựa sắt bay về trời. Để tưởng nhớ công lao của Thánh Gióng, Vua đã cho lập Miếu thờ ở chân núi Sóc và ở quê nhà của Thánh Gióng.
Thành Gióng còn là một trong bốn vị Tứ Bất Tử trong tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam. Ông là vị Thánh tượng trưng cho tinh thần quả cảm, anh dũng chống giặc ngoại xâm và sức mạnh của tuổi trẻ. Hiện nay, cụm di tích Đền Sóc bao gồm Đền Trình, Đền Mẫu, Chùa Đại Bi, Đền Thượng, Hòn đá Trồng, chùa Non Nước, Tượng đài Thánh Gióng và các bia đá ghi lại lịch sử Lễ hội Đền Sóc,… cùng các linh vật bằng đá. Tại chân núi Sóc còn có Học viện Phật giáo Việt Nam.
Hướng dẫn di chuyển tới Đền Sóc
Bằng xe bus.
Các bạn có thể đi xe bus số 15, các bạn đi tới điểm cuối cùng là Phố Nỉ. Tại điểm cuối cùng của xe bus 15 các bạn còn phải di chuyển thêm khoảng 3km nữa, các bạn có thể đi xe ôm để di chuyển vào và mình khuyên bạn nên đi xe ôm nếu sức khỏe không được tốt vì vào khu di tích bạn cũng phải leo khá là nhiều nữa.
Đi ô tô riêng hoặc xe máy.
Có 02 đường để bạn có thể di chuyển tới Đền Sóc đó là:
- Các bạn đi đường cầu Nhật Tân nhưng không rẽ vào đoạn quốc lộ 5 kéo dài mà cứ đi thẳng cho tới khi gặp quốc lộ 18 (Phủ Lỗ) thì rẽ phải vào quốc lộ 18 một đoạn trước khi rẽ trái vào quốc lộ 3, các bạn đi thêm một đoạn nữa sẽ đến ngã ba có biển chỉ dẫn vào Cụm di tích Đền Sóc.
- Đường thứ 2 là đường đi qua cầu Thăng Long về phía sân bay Nội Bài, đến ngã tư với quốc lộ 18 thì đi theo quốc lộ 18 vòng ra sau lưng sân bay Nội Bài đi theo đường 131, đến khi gặp quốc lộ 3 thì rẽ trái đi thêm 1 đoạn là đến.
Đường thứ 2 các bạn đi theo đường cầu Thăng Long về phía sân bay Nội Bài, khi tới ngã tư với quốc lộ 18 thì các bạn rẽ trái đi theo hướng Vĩnh Phúc, các bạn đi tiếp khoảng 2km để ý bên tay phải có biển chỉ dẫn vào “Việt Phủ Thành Chương” thì rẽ phải vào sau đó đi thẳng vào trong cỡ 3km bạn để ý bên tay phải lại có biển chỉ dẫn “Việt Phủ Thành Chương” thì đi thẳng vào nhé. Cứ thế đi thẳng sẽ có biển chỉ dẫn tới Cụm di tích Đền Sóc.
Ngoài ra hiện nay đa số các bạn đều có điện thoại thông minh rồi, cứ mở google maps lên và google maps sẽ chỉ cho bạn :D. Đừng sợ :D.
Tips: Nếu các bạn di chuyển bằng xe máy thì nên lắp gương chiếu hậu bên trái và mang đầy đủ giấy tờ vì đoạn ngã tư giao quốc lộ 18 các bạn cần rẽ trái đi Vĩnh Phúc thì luôn luôn có Công An và luôn luôn có người báo ở dưới đó vài trăm mét, các bạn sẽ rất khó để chạy thoát được khỏi chỗ này. Nhớ nhé :D. Ảnh dưới là quà tặng kèm các bạn đọc bài này ^^.
Nên đi Đền Sóc vào thời gian nào.
Lễ hội Đền Gióng diễn ra từ ngày 6 tới ngày 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, vì vậy nếu các bạn thích không khí lễ hội thì nên đi vào thời điểm này.
Lễ hội Đền Gióng diễn ra trong ba ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng nơi thờ Thánh Gióng. Trước ngày hội diễn ra bảy thôn làng đại diện cho bảy xã chuẩn bị lễ vật trong ngày mở đầu hội chính.Nhưng nghi lễ đặc biệt sẽ được làm vào đêm mùng 5 đó là lễ Dục Vọng để mời Thánh Gióng về, lễ vật được chuẩn bị chu đáo với tấm lòng thành kính của người dân mong đức Thánh Gióng phù hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mạnh khỏe. Ngoài ra trong hội còn có nhiều trò chơi dân gian.
Vào ngày hội chính mùng 7, ngày Thánh hóa theo truyền thuyết, dân làng cùng khách thập phương dân hương, đúng nửa đêm có lễ khai quang – tắm cho pho tượng Thánh Gióng.Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dân hoa tre ở Đền Sóc (nơi thờ Thánh Gióng) và chém tướng giặc. Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50cm.
Còn nếu bạn là người thích sự yên tĩnh thì có thể đi bất cứ thời điểm nào trong năm. Không khí tại cụm di tích khá thoáng đãng và dễ chịu.
Thăm gì ở Đền Sóc
1. Đền Hạ – Đền Trình.
Ngay từ cửa khu Di tích đi vào cac bạn sẽ gặp đầu tiên là Đền Hạ – hay còn gọi là Đền Trình ở bên phía tay trái. Đền Hạ thờ một tượng Sơn Thần bằng động nặng 7 tấn đang ngồi, hai tay đặt ở đầu gối có nét mặt uy nghi, oai vệ. Theo truyền thuyết thì đây là thần Nứa, vị thần đã cho phép Thánh Gióng chọn nơi đây để bỏ lại tất cả bay về trời, nhân dân tôn xưng ông là “Thánh Thần Vương”, danh hiệu này cũng được khắc ở trên đỉnh mũ của bức tượng trong Đền Hạ.
Ngoài cửa đền Hạ là một gốc đa cổ thụ bên hồ nước xanh biếc, dưới gốc đa là những linh vật bằng đá đang ngồi chầu về phía Đền.
2. Đền Mẫu.
Sau khi qua Đền Hạ các bạn sẽ nhìn thấy Đền Mẫu, Đền Mẫu là nơi thờ Mẹ của Thánh Gióng. Đây cũng là một ngôi Đền nhỏ nhưng có những nét chạm trổ hết sức tinh xảo. Trước cổng Đền có dòng chữ “Phù Đổng danh truyền Thiên Thượng Mẫu”.
Trong khuôn viên đền Mẫu còn có giếng Mẫu với màu nước quanh năm xanh mát. Chắc vì du khách ném tiền quá nhiều nên ban quản lý di tích đã che lại miệng giếng nhưng bạn vẫn có thể mở được.
3. Chùa Đại Bi.
Sau khi ra cửa Đền Mẫu các bạn sẽ nhìn thấy chùa Đại Bi. Tương truyền xưa kia nơi đây sơn thủy hữu tình, phong cacnhr yên bình, các vị cao tăng thường xuyên du ngoạn. Khuông Việt quốc sư Ngô Chân Lưu (933-1011) lập am để ở. Một đêm, ông nằm mộng thấy một vị thần, mình mặc áo giáp vàng, tay trái cầm thương vàng, mình mặc áo giáp vàng, tay phải đỡ bảo tháp với hơn mười người theo hầu, tướng mạo rất dễ sợ bước tới gần và nói rằng: “Ta là Tỷ Sa Môn thiên vương, những người theo ta là dạ xoa. Thiên đế có chỉ lệnh sai ta đến nước ngày để giữ gìn biên giới, khiến cho Phật pháp thịnh hành. Ta có duyên với ngươi, nên đến đây báo cho ngươi biết.”
Giật mình tỉnh dậy, nghe trong núi có tiếng huyên náo lòng rất lấy làm lạ, hôm sau vào núi thấy có một cây to, bên trên lại có mây xanh bao phủ trong lòng mừng thầm mới sai thợ đến cưa cây, đem khắc tượng như đã thấy trong mộng rồi lập am để thờ. Khuông Việt Quốc Sư đã đồng hóa hình tượng Tỳ Sa Môn Thiên Vương của Phật giáo vào hình tượng Thánh Gióng của văn hóa Việt để đưa Phật giáo thành quốc giáo thời bấy giờ. Ông đã giúp vua Lê Đại Hành lập đàn cầu Thành Gióng giúp đánh thắng giặc và khi ca khúc khải hoàn trở về, ông là người giúp Vua cho xây dựng đền đài như ngày hôm nay. Ngô Chân Lưu là cháu đích tôn của Ngô Quyền, ông sớm quy y cửa Phật, là vị tăng đầu tiên được phong Tăng thống (971) và được vua Đinh Tiên Hoàng giao chấn hưng phạt giáo Đại Việt, là vị quốc sư cho 3 triều đại Đinh – Lê – Lý, ông có rất nhiều công lao với đất nước. Đến cuối đời, khi già yếu ông xin về núi Du Hý mở trường dậy học và viên tịc tại đó. Trên nền cơ Am nơi ông ở nhân dân địa phương xây dựng ngôi chùa đạt tên là Đại Bi Tự.
4. Đền Thượng.
Sau khi bạn đã cúng lễ tại Chùa Đại Bi xong khi ra ngoài bạn sẽ thấy Đền Thượng, Đền Thượng thờ Thượng đẳng phúc thần Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương, một trong tứ bất tử của văn hóa dân gian Việt Nam. Năm 980 Khuông Việt quốc sư được sự ủy thác của vua Lê đã xây dựng đền đài thờ Thánh Gióng như ngày hôm nay và từ nguốc gốc của cây trầm hương cho tạc tượng Thánh Gióng, đắp tượng 6 vị đã có công cùng Thánh Gióng đánh giặc đã được phong thánh và lập đền thờ. Tượng thờ được để đứng, thể hiện sự hiên ngang, tinh thần bất khuất, anh dũng trước giặc ngoại xâm
5. Nhà bia.
Sau khi ra khỏi Đền Thượng để lên tượng đài Thành Gióng các bạn sẽ đi qua nhà bia, nhà bia này được làm hoàn toàn khác với các nhà bia ở các nơi khác, hoàn toàn được xây dựng bằng phiến đá, phân thân nhà vững chãi gắn liền với đỉnh hình chóp nón nhìn xa xa giống như chiếc mũ sắt của Thánh gióng năm xưa. Theo người dân bản địa thì nhà bia đã tồn tại hàng trăm năm.
6. Tượng đài Thánh Gióng.
Tượng đài Thánh Gióng tọa lạc trên đỉnh núi Đá Chồng, được khởi công xây dựng vào năm 2008 và khánh thành vào năm 2010. Tượng đài được đúc bằng đồng nguyên chất, có chiều cao11,07m; độ vươn ra là 16m, nặng 85 tấn, là hình ảnh Thánh Gióng đang cưỡi ngựa bay về trời trong dáng vẻ uy nghiêm, hùng dũng. Đây là công trình chào mừng kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hiện nay du khách ngoài việc leo bộ lên Tượng đài Thánh Gióng còn có thể đi xe máy hoặc ô tô theo đường mòn từ chân núi lên đỉnh núi.
Tượng đài Thánh Gióng tọa lạc trên đỉnh núi Đá Chồng, được khởi công xây dựng vào năm 2008 và khánh thành vào năm 2010. Tượng đài được đúc bằng đồng nguyên chất có chiều cao 11,07m. Độ vươn ra là 16m và nặng 85 tấn. Tượng Thánh Gióng đang cưỡi ngựa bay về trời trong dáng vẻ uy nghiêm, hùng dũng. Đây là một trong số các công trình chào mừng kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hiện nay ngoài việc leo bộ lên Tượng đài Tháng Gióng các bạn hoàn toàn có thể đi xe máy hoặc ô-tô theo đường mòn từ chân núi cho tới đỉnh núi.
Nếu sức khỏe của các bạn không được ổn thì nên đi tới chùa Non Nước sau đó di chuyển lên Tượng đài Thánh Gióng bằng đường mòn sử dụng phương tiện là xe máy hoặc ô-tô. Vì đường khá dốc nên nếu tay lái của bạn không được ổn thì nên thuê xe ôm để lên đó. Cả đi cả về chắc tầm 70.000 vnd thôi.
7. Chùa Non Nước.
Chùa Non Nước tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền Tự nằm ở độ cao 110m so với chân núi, Chùa có không gian thiên nhiên khoáng đạt rất yên tĩnh. Chùa có tượng Phật Tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối nặng 30 tần cao hơn 8m và được đặt tại chính giữa Chùa.
Theo các nhà nghiên cứu thì chùa Non Nước được xây dựng với thể “Long chầu Hổ phục”, tựa lưng vào 9 ngọn núi: Đồng Sóc, Đá Đen, Voi Phục, Mũi Cày, Vẩy Rồng, Đá Chồng.
Thiền sư trụ trì ngôi chùa này đầu tiên đó là Ngô Chân Lưu (933-1011). Năm 971, Ngài đã được Vua Đinh Tiên Hoàng phong hiệu Khuông Việt Đại sư.
Bonus: tặng các bạn tấm bản đồ :D.
Những lưu ý khi tham quan khu di tích Đền Gióng
- Nếu các bạn di chuyển bằng phương tiện giao thông cá nhân thì nên chấp hành đầy đủ luật giao thông đường bộ đặc biệt là lắp gương chiếu hậu bên trái và giấy tờ xe cũng như giấy tờ tùy thân.
- Đây là khu vực Đền, Chùa nên các bạn ăn mặc lịch sự. Không nên mặc áo trễ cổ quá, quần đùi, quần sooc' hay váy quá ngắn trước khi vào. Các bạn cũng nên tránh mặc đồ quá hở hang hay quá là lòe loẹt.
- Nếu bạn có ý định leo bộ lên Tượng đài Thánh Gióng thì cần chuẩn bị đồ đạc mang theo cần gọn nhẹ, đi giầy thoải mái. Mang theo nước uống sẵn và nên chuẩn bị trước một ít kẹo bánh đồ ngọt để mệt có thể ăn hồi sức luôn tránh bị tụt huyết áp. Cung đường leo bộ chắc cũng phải tới 4km. Theo mình các bạn chỉ nên leo bộ một chiều thôi, còn chiều xuống các bạn nên thuê xe ôm, giá cũng không mắc lắm cỡ 40.000 vnd thôi. Nếu các bạn mệt thì nên ngồi nghỉ, không nên cố gắng quá vì đều là các bậc thang, trượt chân ngã rất nguy hiểm.
- Các bạn cũng nên chuẩn bị sẵn một chiếc mũi lưỡi trai để đội nếu trời có nắng.
- Cung đường leo lên Tượng đài Thánh Gióng các bạn có thể ngồi nghỉ ở các điểm cố định, các bạn có thể mang theo đồ ăn nhẹ để picnic với nhau nhưng nhớ nên dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ trước khi rời đi nhé.
Bài viết của mình tới đây là kết thúc, nếu các bạn có thắc mắc gì thêm đừng ngại để lại lời nhắn ở dưới nhé.
Dưới đây là một số hình ảnh mình chụp tại Tượng đài Thánh Gióng.
[…] Đền Gióng, Đền Gióng mình đã viết bài rồi. Các bạn có thể đọc bài về Đền Gióng mình viết ở đây. Trong năm dự định của mình là đạp xe lên Đền Gióng cơ, nhưng cơ sự chẳng […]